Thứ Năm, 1 tháng 9, 2011

Việt Nam và vũ khí Mỹ

(Tiếng Nói Nước Nga) Hoa Kỳ đang xem xét khả năng tháo bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam. Điều này đã được Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb công bố trong thời gian chuyến thăm Hà Nội. Giữa Lầu Năm Góc và Bộ Quốc phòng Việt Nam đã diễn ra những cuộc tham vấn "thận trọng nhưng tích cực" bàn về triển vọng hợp tác quân sự-kỹ thuật của hai nước.

Nhận định này là lời một thành viên Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Quốc hội Hoa Kỳ, sau khi Hà Nội và Washington ký kết thỏa thuận về hợp tác trong quân y, còn các đội tàu chiến đã tiến hành những cuộc tập trận chung. Tuy nhiên, hợp tác quân sự-kỹ thuật giữa hai nước còn chưa trở thành hiện thực mà mới dừng ở mức ý định.

Chuyên viên Nga Viktor Sumski lãnh đạo Trung tâm ASEAN ở Đại học Tổng hợp quan hệ quốc tế Matxcơva nhận xét: “Từ dự định đến khâu thực hiện có thể là khoảng cách khá lớn. Bởi ở Hoa Kỳ để xóa bỏ lệnh cấm vận cần phải có sự đồng thuận nhất trí của cả hai đảng. Thế mà hiện tại mối quan hệ giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa ở Mỹ còn xa mới đạt đến sự hài hòa”.

Dù vậy, có thực tế đáng chú ý là sự ấm lên rõ rệt trong quan hệ của Hoa Kỳ và Việt Nam, kể cả trên bình diện quân sự. Những đổi thay tiến bộ trong mối quan hệ giữa hai nước từng là đối địch, được lý giải bởi tình hình bùng phát hiện thời trong cuộc tranh chấp lãnh thổ tại khu vực. Ngay từ năm 2009, Bắc Kinh đã đệ ra Liên Hợp Quốc một tấm bản đồ đánh dấu đường ranh giới hàng hải của CHND Trung Hoa. Tương ứng với tấm bản đồ tự ý này, Trung Quốc tuyên bố độc quyền của mình đối với 80% diện tích biển Nam Trung Hoa-Biển Đông. Bắc Kinh công nhiên củng cố tham vọng lãnh thổ bằng sức mạnh hùng hậu về kinh tế và quân sự đang tăng trưởng nhanh chóng. Lập trường ngày càng cứng rắn như vậy của Trung Quốc buộc các nước hữu quan trong cuộc tranh chấp này phải tìm kiếm cho mình những đồng minh mạnh mẽ. Mà đối trọng chính của Trung Quốc tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngày nay chính là Hoa Kỳ.

Đồng thời, những cố gắng hành động của Trung Quốc nhằm phá vỡ lớp bảo trợ của Hoa Kỳ vốn đã hình thành trong hệ thống an ninh khu vực Đông Nam Á hiển nhiên cũng khơi lên mối quan ngại ở nước Mỹ. Trong nỗ lực hạn chế sự bành trướng của Trung Quốc, người Mỹ đứng về phía các đối thủ của CHND Trung Hoa. Cụ thể là Việt Nam. Vì vậy, lời tuyên bố của các chính khách Mỹ, rằng Hoa Kỳ đang xem xét khả năng xóa bỏ lệnh cấm vận cung cấp vũ khí cho Việt Nam, có thể xem như là một trong những thành tố chính sách của Hoa Kỳ nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Tuy nhiên cần thấy rằng, khi tìm kiếm những đối tác mới và xây đắp mối quan hệ hợp tác kỹ thuật-quân sự đa phương, Việt Nam không chỉ nhắm tới Hoa Kỳ. Hà Nội đang thảo luận với New Delhi về việc Ấn Độ sẵn sàng tham gia xây dựng các hạm tàu chiến dành cho Việt Nam. Tàu khu trục tên lửa của Ấn Độ được phép ghé vào các hải cảng Nha Trang và Hạ Long. Không thể không nói tới một đối tác gắn bó dài lâu và giầu kinh nghiệm là Nga, đã và đang thực hiện thành công chương trình cung cấp đến Việt Nam lô sản phẩm quân sự hiện đại như tàu ngầm, tàu chiến, các máy bay và trực thăng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có biết ? Bạn được nhận xét tự do trên bất kỳ bài đăng nào của Socmai. Thêm lựa chọn Tên/URL để tạo link hoặc sử dụng cập thẻ <a></a>.