Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2011

Trường Sa, Hoàng Sa đã có “sổ đỏ quốc gia”

Việt Nam hiện nay có đầy đủ các căn cứ pháp lý cũng như căn cứ lịch sử phù hợp với luật pháp quốc tế để khẳng định chủ quyền biển cũng như chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

“Sổ đỏ” là không có quyền tranh chấp


Theo Cục trưởng Cục thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lê Văn Nghiêm: Khi Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc (Công ước 1982) có hiệu lực năm 1994, Việt Nam mặc nhiên được luật pháp quốc tế công nhận, cấp cho một cuốn “sổ đỏ” với chủ quyền và các quyền tài phán đối với các vùng biển của mình. Theo đó, vùng biển của Việt Nam có tổng diện tích 1 triệu km2, rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Vùng biển của Việt Nam không phải và không thể được coi là vùng tranh chấp. Không chỉ riêng Việt Nam mà tất cả các nước ven biển trên thế giới cũng đều có các vùng biển của mình theo Công ước 1982.


Văn khao Lề thế lính Trường Sa năm Tự Đức thứ 20 (1867). Ảnh: Internet

Như vậy, theo Công ước 1982, bản đồ “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tự ý vẽ ra không chỉ vi phạm thô bạo các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam mà còn vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Do vậy nó hoàn toàn không có căn cứ và không có giá trị pháp lý.

Trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, Việt Nam căn cứ vào luật pháp quốc tế để khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của mình. Công ước 1982 được coi là đạo luật cơ bản về đại dương của thế giới, có giá trị pháp lý và hiệu lực cao. Từ khi Công ước 1982 ra đời, nó đã quy định các nước ven bờ biển được có các quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý. Đây là các quyền đương nhiên mà các quốc gia, trong đó có Việt Nam, được hưởng. Công ước này có tổng cộng 119 nước cùng tham gia ký, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc là các nước thành viên đã cùng đặt bút ký.

Cục trưởng Lê Văn Nghiêm nhấn mạnh: “Vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa rộng 200 hải lý là khu vực thuộc “sổ đỏ quốc gia” thì không thể có chuyện tranh chấp ở đây”.

Căn cứ lịch sử phù hợp công pháp quốc tế

Trong việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam có đầy đủ các bằng chứng lịch sử phù hợp quy định quốc tế.

Nhiều sách địa lý và bản đồ cổ của Việt Nam ghi chép rõ hai quần đảo này dưới các tên gọi: Bãi Cát Vàng, Hoàng Sa, Vạn lý Hoàng Sa, Đại Trường Sa hoặc Vạn lý Trường Sa từ lâu đã là lãnh thổ Việt Nam. Với tư cách là người làm chủ, trong nhiều thế kỷ nhà nước phong kiến Việt Nam đã nhiều lần tiến hành điều tra khảo sát hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các sách địa lý và lịch sử của Việt Nam từ thế kỷ XVII đã ghi lại kết quả các cuộc khảo sát đó.

Có thể liệt kê ra một số cứ liệu lịch sử như: Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư tập bản đồ Việt Nam do Đỗ Bá, tên chữ là Công Đạo, soạn vẽ vào thế kỷ XVII; Giáp Ngọ bình nam đồ, bản đồ xứ Đàng Trong do Đoán quận công Bùi Thế Đạt vẽ năm 1774; Phủ biên tạp lục, cuốn sách của nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784) biên soạn năm 1776, Đại Nam nhất thống toàn đồ, bản đồ nước Việt Nam đời Nguyễn vẽ vào khoảng năm 1838; Đại Nam nhất thống chí, bộ sách địa lý Việt Nam do Quốc Sử quán nhà Nguyễn (1802-1845) soạn xong năm 1882…

Không chỉ cứ liệu trong sử sách Việt Nam có ghi chép về sự sở hữu và quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhiều nhà hàng hải, giáo sĩ Phương Tây trong những thế kỷ trước đều xác nhận Hoàng Sa (Pracel hay Paracel) thuộc lãnh thổ Việt Nam. Giám mục J.L.Taberd, trong bài “Ghi chép về địa lý nước Cochinchine (Giao Chỉ - Việt Nam - PV)“ xuất bản năm 1837, cũng mô tả “Pracel hay Paracels” là phần lãnh thổ nước Cochinchine và nói rõ người Cochinchine gọi Pracel hay Paracels là “Cát Vàng”. Một giáo sĩ Phương Tây đi trên tàu Amphitrite từ Pháp sang Trung Quốc năm 1701 viết trong một lá thư rằng: “Paracel là một quần đảo thuộc vương quốc An Nam. Trong bài Địa lý vương quốc Cochinchina (15) của Gutzlaff, xuất bản năm 1849 có đoạn nói rõ Paracels thuộc lãnh thổ Việt Nam và chú thích cả tên Việt Nam là “Cát Vàng”.

Như vậy qua các sách lịch sử, địa lý cổ của Việt Nam cũng như chứng cứ của nhiều nhà hàng hải, giáo sĩ Phương Tây nói trên, từ lâu và liên tục trong hàng mấy trăm năm, Nhà nước Việt Nam đã làm chủ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đến năm 1884, sau khi ký hiệp ước với triều đình nhà Nguyễn, hoàn thành công cuộc đô hộ Việt Nam, Pháp đại diện quyền lợi của Việt Nam trong quan hệ đối ngoại và việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Trong khuôn khổ sự cam kết chung đó, Pháp tiếp tục thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1938, Pháp dựng bia chủ quyền, xây dựng xong đèn biển, trạm khí tượng, đài vô tuyến điện ở đảo Hoàng Sa (Ile Pattle), trong quần đảo Hoàng Sa, xây dựng trạm khí tượng, đài vô tuyến điện ở đảo Itu Aba trong quần đảo Trường Sa. Hàng chữ trên bia có ghi: “Cộng hoà Pháp, Vương quốc An-nam, quần đảo Hoàng Sa, 1816 - đảo Pattle – 1938”.

Ngày 7/9/1951, trưởng đoàn đại biểu của Chính phủ Bảo Đại Trần Văn Hữu tuyên bố tại Hội nghị San Francisco về việc ký hoà ước với Nhật Bản rằng từ lâu quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là bộ phận của lãnh thổ Việt Nam. Lời tuyên bố của Đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị San Francisco không gặp sự chống đối hoặc bảo lưu nào của đại diện 51 quốc gia tham dự Hội nghị.

Chính phủ Sài Gòn, sau đó là cả Chính phủ Sài Gòn và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, cũng đều thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Năm 1956, lực lượng hải quân của Chính quyền Sài Gòn tiếp quản các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi Pháp rút quân về nước. Ngày 22/10/1956, Chính quyền Sài Gòn đặt quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy. Ngày 13/7/1961, Chính quyền Sài Gòn đặt quần đảo Hoàng Sa, trước kia thuộc tỉnh Thừa Thiên, vào tỉnh Quảng Nam và thành lập tại quần đảo này một xã lấy tên là xã Định Hải, trực thuộc quận Hoà Vang và đặt dưới quyền một phái viên hành chính.

Từ đó cho đến năm 1974, chính quyền miền Nam Việt Nam luôn bảo vệ chủ quyền mỗi khi có nước ngoài biểu thị ý đồ tranh giành hay xâm chiếm đảo nào đó trong hai quần đảo. Ngày 19/1/1974, lực lượng hải quân của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa chiếm đóng nhóm Tây Nam của quần đảo Hoàng Sa và cũng trong ngày này chính quyền Sài Gòn tuyên bố lên án Cộng hoà nhân dân Trung Hoa xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Ngày 5 và 6/5/1975, Hải quân nhân dân Việt Nam giành lại quyền kiểm soát các đảo ở quần đảo Trường Sa từ quân đội Sài Gòn.

Từ năm 1975 đến nay, Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng về biển và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như: Tuyên bố của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam năm 1977; Tuyên bố của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam năm 1982; Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1992; Nghị quyết của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ 5 năm 1994 về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; Luật Biên giới quốc gia năm 2003. Đồng thời, công bố chủ quyền về hai quần đảo này trên nhiều diễn đàn quốc tế và đều được thừa nhận. Cùng với đó, Nhà nước CHXHCN Việt Nam liên tục thực hiện quản lý hành chính đối với hai quần đảo này.

Xâu chuỗi các sự kiện lịch sử này, Cục trưởng Lê Văn Nghiêm đánh giá: “Trong suốt nhiều thế kỷ, Nhà nước Việt Nam đã thực thi chủ quyền liên tục đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là bằng chứng lịch sử vững chắc được luật pháp quốc tế công nhận”.

Qua các sách lịch sử, địa lý cổ của Việt Nam cũng như chứng cứ của nhiều nhà hàng hải, giáo sĩ Phương Tây, từ lâu và liên tục trong hàng mấy trăm năm, Nhà nước Việt Nam đã làm chủ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Nội dung đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số đặc biệt ra ngày 31/08/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có biết ? Bạn được nhận xét tự do trên bất kỳ bài đăng nào của Socmai. Thêm lựa chọn Tên/URL để tạo link hoặc sử dụng cập thẻ <a></a>.