Đại sứ Lê Công Phụng vừa có chuyến thăm tiểu bang Hawaii từ 09/03-12/03. Thông tấn xã Việt Nam đưa tin, ngoài các tiếp xúc với giới chức tiểu bang, trong có Thống đốc Neil Abercrombie, ông Phụng cũng đã "có buổi làm việc với Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM) của Mỹ tại trụ sở chính ở thành phố Honolulu.
Tại đây, ông đại sứ và người đứng đầu quân đội Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương - Đô đốc Robert Willard, đã "bàn biện pháp để thực hiện mong muốn của cả Việt Nam và Mỹ trong việc tăng cường và duy trì hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực cũng quan hệ quân sự giữa hai nước". Hãng thông tấn nhà nước Việt Nam nói cuộc trao đổi "mang tính chất xây dựng". Được biết, một trong các nội dung chính trong cuộc tiếp xúc là các vấn đề lợi ích hai bên liên quan tới biển. Một chi tiết quan trọng được loan tải, là "Đại sứ Lê Công Phụng và Đô đốc Willard cho rằng nay là thời điểm chín muồi để phát triển quan hệ hợp tác quốc phòng rộng lớn hơn".
Hàng không mẫu hạm
Chỉ vài ngày trước cuộc tiếp xúc giữa ông Lê Công Phụng và Đô đốc Willard, một đoàn quan chức ngoại giao Việt Nam từ Tokyo cũng tới thăm hàng không mẫu hạm sử dụng hạt nhân của Hoa Kỳ, USS George Washington, ở ngoài khơi Nhật Bản. Thông tin của hải quân Mỹ cho hay đoàn đại biểu của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, dẫn đầu là Công sứ Hồ Minh Tuấn, đã tới căn cứ Yokosuka để thăm tàu sân bay của Mỹ hôm 08/03. Công sứ Hồ Minh Tuấn được dẫn lời phát biểu sau khi thăm hàng không mẫu hạm rằng "quan hệ hai nước đang phát triển rất tốt đẹp" trong những năm gần đây".
Đại sứ Lê Công Phụng và Đô đốc Willard cho rằng nay là thời điểm chín muồi để phát triển quan hệ hợp tác quốc phòng rộng lớn hơn.
Chỉ huy USS George Washington Kenneth Reynard đã tháp tùng đoàn cán bộ đại sứ quán thăm viếng cơ sở vật chất cũng như tìm hiểu quy trình hoạt động của tàu sân bay tối tân nhất của Hoa Kỳ. Bản tin của hải quân Hoa Kỳ gọi các quan chức ngoại giao Việt Nam là "khách quý" (distinguished guests). Trong vài năm trở lại đây, đã có nhiều chuyến thăm hàng không mẫu hạm của Mỹ được tổ chức cho quan chức Việt Nam. Mở đầu là chuyến thăm tàu USS John Stennis của các sỹ quan quân đội Việt Nam hôm 22/04/2009. Phái đoàn do Đại tá Nguyễn Hữu Vinh, Phó tham mưu trưởng quân chủng Hải quân Việt Nam, dẫn đầu, cùng Đại tá Đỗ Minh Tuấn, Phó tham mưu trưởng Phòng không Không quân, đã tiếp xúc với các thuỷ thủ và tham quan hoạt động máy bay cất cánh, hạ cánh trên tàu. Sau đó, quan chức ngoại giao từ Đại sứ quán Việt Nam ở Mỹ tới thăm hàng không mẫu hạm USS George H.W. Bush của hải quân Hoa Kỳ đậu tại Norfolk, Virginia hôm 30/06/2010. Hơn một tháng sau, vào tháng 8/2010, quan chức Việt Nam cũng đã ra thăm tàu USS George Washington khi tàu này neo đậu ngoài khơi Đà Nẵng.
Vai trò Trung Quốc
Gần đây, Hoa Kỳ đã nhiều lần bày tỏ nguyện vọng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực hải quân, thậm chí thẳng thắn khuyến khích Việt Nam tham gia tập trận chung.
Tuy nhiên, Hà Nội vẫn giữ thái độ dè dặt. Các báo trong nước không loan tải về cuộc tiếp xúc giữa Đại sứ Lê Công Phụng và Đô đốc Robert Williard, ngoại trừ bản tin của Thông tấn xã Việt Nam.
Giới chuyên gia nhận định Việt Nam không muốn đánh động Trung Quốc, trong khi nhận thức rõ ràng vị thế và sức mạnh đang lên của cường quốc đàn anh này, nhất là tại khu vực còn đang tranh chấp ở Biển Đông. Hôm thứ Hai 14/03 là đúng 23 năm ngày xảy ra cuộc Hải chiến Trường Sa năm 1988, trong đó 74 quân nhân Việt Nam thiệt mạng và mất tích sau trận tấn công của hải quân Trung Quốc.
Sau sự kiện này, Trung Quốc cũng chiếm thêm một số diện tích đảo từ tay Việt Nam. Báo chí Việt Nam, sau một thời gian không đả động, bắt đầu nhắc lại sự kiện "đau thương" này. Một số báo đăng bài về trận hải chiến Trường Sa 14/03/1988, nhưng vẫn tránh nói đây là cuộc đụng độ với hải quân Trung Quốc.
Trung Quốc mới đây tuyên bố sẽ tăng ngân sách quốc phòng 12,7% cho năm 2011. Hải quân Trung Quốc cũng liên tục có hoạt động tại các vùng biển tranh chấp, khiến một loạt quốc gia , trong đó có Việt Nam, lên tiếng phản đối. Những ngày giữa tháng Ba, khi thiên tai khủng khiếp xảy ra tại Nhật Bản và tình hình bất ổn leo thang tại Trung Đông, trên các trang mạng phát sinh nhiều đồn đoán về việc Bắc Kinh có thể "lợi dụng thời điểm" này để tấn công các quốc gia đang tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn có biết ? Bạn được nhận xét tự do trên bất kỳ bài đăng nào của Socmai. Thêm lựa chọn Tên/URL để tạo link hoặc sử dụng cập thẻ <a></a>.