Lý do mà các ban kiểm duyệt kênh truyền hình đưa ra là : trong cuộn phim video dài khoảng 4 phút này, Rihanna ăn mặc quá hở hang, đi kèm với những động tác cử chỉ sống sượng thô tục. Tựa đề cũng như nội dung bài hát cố tình gây sốc với những hình ảnh khiêu dâm. Có lẽ, cũng vì thế mà các kênh truyền hình tại Anh chỉ cho chiếu video này sau 8 giờ tối trở đi. Tại Hồng Kông hay Singapore, nhiều đoạn phim bị lược bỏ. Trung Quốc, Malaysia hay Indonesia thì nhất quyết cấm hẳn.
Đây không phải là lần đầu tiên mà Rihanna vướng phải lưỡi kéo kiểm duyệt. Tập nhạc trước của cô mang tựa đề Rated R, chữ R ở đây có nghĩa là hạn chế (Restricted) chỉ dành cho đối tượng thành niên, không phải ai xem cũng được. Nhiều video clip minh họa cho các bài hát trích từ album này đã bị nhiều kênh truyền hình gạch tên xóa sổ trên danh sách các bài được phát sóng (Playlist). Tại châu Âu, kênh truyền hình MTV trong năm qua, đã nhận được hàng chục ngàn email của khán thính giả, than phiền về nội dung của các cuộn video clip mà các bậc phụ huynh cho rằng, không phù hợp với đối tượng thiếu niên, và nhất là các đoạn phim này thường được chiếu trong các chương trình giải trí sau giờ tan trường.
Sự than phiền từ phía người xem cũng là lý do giải thích, vì sao các kênh truyền hình kiểm duyệt bộ phim quảng cáo nước hoa tên là Heat của ca sĩ Beyonce, hồi cuối tháng 11 năm 2010. Cuộn phim quảng cáo này cũng bị cấm chiếu vào ban ngày, vì hàm chứa những hình ảnh mà ban kiểm duyệt cho là quá khiêu dâm, kích dục. Trong khi đó, giới hâm mộ các cô ca sĩ da màu thì cho rằng, các đoạn video này dù là ca nhạc hay quảng cáo chỉ khai thác những hình ảnh gợi cảm và quyến rũ để bắt mắt người xem.
Kẻ chống, người bênh. Thật ra trường hợp của Rihanna và các ca sĩ ăn khách hiện giờ như Beyonce hay Lady Gaga phản ánh xu hướng thịnh hành trong xã hội tiêu thụ thời nay. Điện ảnh, ca nhạc, thời trang, game video, sách báo hay quảng cáo, hầu hết các ngành đều ít nhiều khai thác yếu tố tình dục (sex) và các hình tượng khiêu dâm lộng lẫy trau chuốt (porno chic) để mời mọc khách hàng, để rao bán sản phẩm.
Ngấm ngầm hay lộ liễu, một khi đã hàm chứa các yếu tố này, liệu một sản phẩm có thể còn được gán cái nhãn hiệu ‘‘văn hóa’’ nữa hay không. Từ hơn một thập niên nay, người Âu Mỹ đã chạy theo khai thác điều mà giới chuyên ngành gọi là ‘‘thẩm mỹ khiêu dâm’’ (estheticism of pornography) để lôi kéo người tiêu thụ. Và khi các đài truyền hình cấm chiếu một phần hay toàn bộ phim ảnh thì thật ra họ lại càng thu hút sự chú ý của giới trẻ.
Cho dù mạng Youtube có hạn chế cách mấy, nhưng rốt cuộc, cuộn video của Rihanna vẫn xuất hiện trên các trang blog các diễn đàn trên mạng. Về điểm này, có thể nói là, các ban kiểm duyệt đã khá coi thường cái khả năng đi vòng của giới trẻ. Càng cấm đoán chừng nào, càng hấp dẫn chừng nấy. Càng đóng khung khoanh vùng, thì ta lại càng luồn lách, xé rào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn có biết ? Bạn được nhận xét tự do trên bất kỳ bài đăng nào của Socmai. Thêm lựa chọn Tên/URL để tạo link hoặc sử dụng cập thẻ <a></a>.